Lịch sử Công an nhân dân Việt Nam

Quá trình hình thành

Nguồn gốc của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam được xem là bắt đầu từ các đội Tự vệ Đỏ trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh (1930-1931), các Đội Danh dự trừ gian, Hộ lương diệt ác... do Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập với mục đích bảo vệ tổ chức. Những năm 1930 - 45, để chống các hoạt động phá hoại và do thám của thực dân Pháp và chính quyền tay sai, bảo vệ cách mạng, Đảng Cộng sản Đông Dương đã thành lập các đội: Tự vệ đỏ, Tự vệ công nông, Danh dự trừ gian, Danh dự Việt Minh. Đó là những tổ chức tiền thân của Công an nhân dân và quân đội nhân dân sau này.

Sau cuộc Cách mạng tháng Tám (nổ ra ngày 19 tháng 8 năm 1945), chính quyền lâm thời của Việt Minh đã có chỉ thị thành lập một lực lượng vũ trang có nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự. Tuy nhiên, lực lượng này chưa có tên gọi chung mà mang nhiều tên gọi khác nhau, như Sở Liêm phóng (ở Bắc Bộ), Sở trinh sát (ở Trung Bộ), Quốc gia tự vệ cuộc (ở Nam Bộ). Đến ngày 21 tháng 2 năm 1946, Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 23/SL hợp nhất các lực lượng này thành một lực lượng Công an nhân dân ở cả ba miền được thống nhất một tên gọi thống nhất là Công an có nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội; và thành lập Việt Nam Công an Vụ để quản lý lực lượng Công an nhân dân do một Giám đốc đứng đầu, mà người đầu tiên là Lê Giản.

Trong thời kỳ đầu, cơ quan quản lý ngành Công an là Nha Công an vụ, trực thuộc Bộ Nội vụ. Đến ngày 16 tháng 2 năm 1953, thành lập thành Thứ bộ Công an, trực thuộc Bộ Nội vụ, đứng đầu là một Thứ trưởng. Đến năm 1955, thì tách hẳn thành Bộ Công an. Năm 1959, sáp nhập các lực lượng biên phòng thành lực lượng Công an vũ trang (nay là lực lượng Biên phòng) trực thuộc quyền quản lý của Bộ Công an (về sau lại chuyển về trực thuộc Bộ Quốc phòng). Cũng từ năm này, lực lượng Công an được tổ chức vũ trang và bán vũ trang theo biên chế, có phù hiệu và cấp hàm tương tự như quân đội.

Cơ quan quản lý qua các thời kỳ

Trừ 2 bộ trưởng đầu tiên là dân sự, các đời bộ trưởng về sau đều là sĩ quan cấp tướng.

Ngày truyền thống

Ngày 19 tháng 8 hằng năm được lấy làm ngày truyền thống của Công an nhân dân Việt Nam và được quy định là "Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc". Vào ngày này, toàn bộ cán bộ chiến sỹ được nghỉ (trừ các trường hợp trực tại đơn vị hoặc làm nhiệm vụ).